Người Việt rất tôn trọng tổ tiên, kính mộ người đã khuất, bởi vậy mà từ lâu đã hình thành lệ tục thờ cúng tổ tiên ông bà.
Ở tầm quốc gia, người Việt thờ các vua Hùng là những vị khai sáng đất nước. Ở từng địa phương, người Việt thờ những vị thành hoàng làng, xã, thờ các vị đầu tiên khai mở đất đai, lập ấp, dựng làng.
Với những nghề gắn bó với cuộc sống, người Việt thờ cúng các vị tổ nghề như nghề nông, nghề cá, chăn tằm, dệt vải, mộc, rèn… Còn trong từng gia đình Việt Nam, dù nghèo khó đến đâu cũng đều đặt bàn thờ tổ tiên. Đạo lý Việt Nam, uống nước nhớ nguồn là một truyền thống đẹp. Thờ cúng tổ tiên ông bà cũng hướng tới những khát vọng đẹp.
- Đền Cửa Đông thờ Mẫu Thoải tại Lạng Sơn
- Đền Mẫu Thoải tại Long Biên, Hà Nội
- Cúng Rằm tháng 7 năm 2020 như nào?
Vị trí đặt ban thờ gia tiên
Bàn thờ tổ tiên thường được đặt tại vị trí được xem là trang trọng nhất. Đó là nơi vừa giữ được nét tĩnh lặng, uy nghiêm lại vừa là nơi nhiều người trong gia đình có thể dễ dàng chiêm bái. Nó có thể được bày biện trang trí cầu kỳ, được dựng riêng thành một tòa uy nghi là nơi thờ cúng chung của một dòng họ, lại cũng có thể đơn giản: Một tấm ván trên bờ tường, một mặt tủ cao được tận dụng… với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Song các gia đình từ bậc trung trở lên, bao giờ ban thờ gia tiên cũng được sắp đặt cẩn thận.
Thường ban thờ gia tiên chiếm hẳn một gian riêng. Ở nông thôn, nhà ba gian hay năm gian hay đặt bàn thờ ở gian giữa hoặc gian đầu đứng từ ngoài nhìn vào. Ở thành phố, bàn thờ thường đặt trên tầng cao nhất. Trong các chung cư, gia chủ cũng chọn riêng một phòng nhỏ phù hợp với phong thủy.
Bài trí ban thờ gia tiên
Nhà ở nông thôn xưa thường tổ chức gian thờ thành ba lớp: Lớp ngoài cùng là tấm phản để đặt các mâm lễ. Nhà đông con cháu, mỗi gia đình nhỏ đặt một mâm hoặc một vài món đồ cúng đại diện. Ở thành phố, người ta thay phản bằng bàn. Cũng có nhà không có phản, người ta trải chiếu.
Lớp tiếp theo là một cái hương án trên đặt đồ tam sự hay ngũ sự gồm lư hương, cọc sáp, lọ hương, lọ hoa, đèn, hạc đồng, khay chén đựng trà, rượu, một số đĩa bày hoa quả bánh trái vàng mã. Khi bày lễ vật cúng trên hương án chỉ được để hoa quả trầu rượu bánh kẹo chứ không để cá thịt cơm canh. Đây là nơi gia chủ mời các vị thần trong gia đình về dự. Thông thường có các vị như Long quân chúa mạnh, Nhị vị thần môn… và một số vị tại gia khác tùy theo gia chủ. Các vị này thuộc lớp siêu trần nên chỉ hưởng hương hoa. Cũng ở hương án, có thể đặt thêm chiếc đĩa nhỏ có hai đồng tiền cổ để sau khi khấn vái gia chủ xin âm dương. Thường gieo được một đồng sấp, một đồng ngửa tức là lời khấn nguyện đã được các vị thần linh và tổ tiên chấp nhận.
Lớp trong cùng mới thực sự là bàn thờ tổ tiên thường gọi là tran thờ. Đó là một cái bàn trên đặt ba bộ đồ thờ để cách nhau. Phía bên trái, từ ngoài nhìn vào là một cái khám sơn son thiếp vàng kín ba mặt. Mặt trước có thể để trống hoặc lắp cửa nhỏ có thể khép mở. Bên trong đặt bài vị của vị thần tổ được xem là vị khai sáng dòng họ. Vị này đã được thờ ở nhà thờ họ nhưng các gia đình có thể thờ riêng. Bài vị khắc những chữ chỉ tên hiệu thế thứ chứ không ghi tên ai. Khám thờ này cũng để thờ các vị thần của gia đình bảo hộ cho nhà mình như các bà ngũ đại, tam đại tổ cô, các ông mãnh là những người không may chết sớm khi chưa lập gia đình riêng. Cái khám này còn được gọi là tịnh.
Sát với tịnh, ở vị trí chính giữa là ngai hoặc một cái ỉ tượng trưng cho ông vải. Chiếc ngai này được sơn son thiếp vàng, đầu ngai nhô cao một hình tròn như mặt nguyệt, hai tay ngón mang hình đầu rồng rất sang trọng. Bên trong ngai để trống hoặc cũng có thể đặt một đĩnh bạc, hay vàng tượng trưng. Ngai được trùm phủ một tấm vải đỏ (điều) nên mới gọi nôm na là ông vải. Đây là nơi thờ các vị thần tổ của gia đình từ cao cao tổ khảo, cao cao tổ tỉ trở xuống. Trên nữa (trên 5 đời) là những đời xa xôi quá sẽ được thờ ở các nhà thờ của dòng họ.
Cạnh cái ngai về phía bên phải, ngoài cùng là một số bài vị, không có khám che chắn. Đây là nơi để thỉnh những tổ tiên của các chi khác của gia đình, những người mà gia chủ và con cháu mình phải chịu tang. (Việc chịu tang cũng được sắp xếp từ ba tháng, sáu tháng, một năm… tùy theo mức độ quan hệ). Trong văn khấn, người ta gọi các linh hồn này là nội thương, trung thương, ngoại thương (thương là có chịu tang).
Trước khám, ngai, và các bài vị là bát hương. Bát ở trước ngai thường lớn hơn.
Ngoài cùng của bàn thờ ba lớp như trên người ta còn có thể treo thêm một bức màn, gọi là ỉ môn. Khi cúng lễ xong, để chờ tàn hương người ta kéo cái màn này che khuất toàn bộ ban thờ, sau đó mới kéo lại để hạ cỗ. Ý nghĩa của việc này cũng vui và cảm động ở chỗ không muốn người phàm nhìn thấy các ngài khi ăn uống!
Ngày nay, phía sau bàn thờ một số gia đình có treo thêm ảnh ông bà, cha mẹ.
Những người được thờ trong gian này đều đã hết thời kỳ con cháu chịu tang. Những người mới chết chưa được thờ ở đây. Thời điểm “chờ đợi” ấy họ được lập thành một ban thờ riêng.
Bàn thờ tổ tiên chỉ để thờ tổ tiên. Không nên và không được phép để những tượng, tranh các vị giáo chủ hay thần thánh khác. Nếu cần thể hiện sự tôn sùng những vị giáo chủ nào đó như Phật, Chúa, Thánh… nên làm ban thờ và treo ảnh riêng. Một số nhà thờ còn treo thêm tranh ảnh không gắn với việc thờ cúng là điều không hợp lý. Muốn trang trí ban thờ thì dùng thêm hoành phi và câu đối phù hợp.
Tục treo câu đối
Người Việt ta có tục đẹp là thường treo câu đối trong các nhà thờ. Đó là hai câu sóng đôi với nhau. Câu đối phải treo dọc chứ không xếp hàng ngang. Câu có chữ cuối cùng vần trắc thường đặt bên phải (nhìn vào), chữ vần bằng bên trái. Đọc câu đối từ dòng phải trước rồi mới sang dòng trái. Nếu để khác đi thì người ta sẽ chê là không biết gì về câu đối!
Thường câu đối ở nhà thờ là những nội dung tôn vinh dòng họ như: Tử tôn vạn đại kiến/ Công đức bách niên duy (Công đức cha ông trăm năm còn đó/ Thế hệ con cháu muôn đời thấy đây) hoặc Tổ tông công đức thiên niên hỏa/ Tử hiếu tôn hiền vạn thế hương (Công đức tổ tiên ngàn năm lửa sáng/ Cháu con hiếu thuận vạn thuở hương thơm).
Cùng với với treo câu đối, ở nhà thờ nhiều gia đình, dòng họ còn treo hoành phi. Đó là một tấm biển, treo ngang ở vị trí cao nhất của ban thờ đề những chữ lớn như: Đức lưu quang (Đức độ tỏa sáng), Ẩm hà tư nguyên (Uống nước nhớ nguồn), Gia môn khang thái (Cửa nhà yên vui), Phục kỳ thủy (Trở về nguồn), Ngũ phúc lâm môn (Năm phúc vào cửa)… Đó là những thông tin bày tỏ ý nguyện, mục đích lâu dài mà dòng họ này hướng tới.
Như đã nói, ban thờ gia tiên là nơi con cháu tạo lập để tưởng nhớ, để tri ân tổ tiên. Các ngày giỗ những người thân trong gia đình, các ngày lễ trọng hàng tháng như ngày giữa tháng, đầu tháng, các ngày vui trong gia đình (con cháu đỗ đạt, có thành tích) hoặc các ngày có những việc quan trọng người ta thường thắp hương, dâng hoa, bày biện để cúng tế vừa mang để được hưởng phúc lành vừa tỏ lòng thành kính với cha ông tiên tổ. Vào ngày Tết, ban thờ tổ tiên còn được trang trí thêm hoa đào hoa mai, mâm ngũ quả. Theo nguyên tắc chung, mâm ngũ quả thể hiện năm yếu tố cơ bản của triết lý phương Đông: Kim mộc thủy hỏa thổ để chỉ sự thống nhất của thiên nhiên, sự hòa hợp chung để tạo nên cuộc sống hòa bình an lạc. Nhiều người cũng tin rằng mâm ngũ quả là biểu tượng năm ngón tay người đàn ông để tạo ra sức khỏe của bản thân và việc cúng lễ vật cho tổ tiên mình. Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản, đó chính là hiện thân của tinh hoa triết lý Trời và Đất ban phát lộc cho nhân loại.